Rối loạn giấc ngủ ở tuổi xế chiều

   28-10-2022

Hiện nay, tỉ lệ người cao tuổi (NCT) bị rối loạn giấc ngủ (RLGN) ngày càng cao. Ước tính khoảng một nửa số người trên 50 tuổi bị RLGN với các biểu hiện ngủ không ngon, giấc ngủ chập chờn hoặc thời gian ngủ ngắn,  khó duy trì giấc ngủ và thường thức dậy vào buổi sớm, khó khăn để tiếp tục ngủ lại... RLGN lâu ngày làm cho NCT mệt mỏi, buồn phiền, trí nhớ giảm sút và còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim...

Nguyên nhân gây RLGN ở NCT

Mất ngủ do chức năng của cơ thể bị suy giảm:

Khi tuổi cao, các chức năng sinh lý bị suy giảm một cách đáng kể. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị hủy hoại và như vậy, ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng.

Mất ngủ do bệnh tật:

Hay gặp nhất là đau nhức xương khớp, nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi trái gió, trở trời. Những người mắc các bệnh về tim mạch, nhất là tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim gây đau nhói vùng ngực trái rất khó chịu làm họ lo lắng, không ngủ được hoặc khó ngủ. Người mắc các bệnh giãn phế quản, hen phế quản, viêm phế quản mạn tính gây ho nhiều, gây khó thở dữ dội, thiếu ôxy trầm trọng làm cho người bệnh lo lắng, hốt hoảng, không thể ngủ được, thậm chí mất ngủ nhiều đêm liền, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. NCT cũng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh dạ dày, viêm đại tràng mạn, viêm đại tràng co thắt gây đau bụng âm ỉ, đầy hơi trướng bụng, rối loạn tiêu hóa làm cho giấc ngủ không yên. Ngoài ra, NCT còn hay mắc các bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường, căng thẳng thần kinh (stress) cũng là một trong các tác nhân gây mất ngủ cho NCT do đi tiểu đêm nhiều lần.

 

Rối loạn giấc ngủ ở tuổi xế chiều 1Người cao tuổi nên sống trong bầu không khí trong lành, vui vẻ, sinh hoạt và ăn uống hợp lý để có giấc ngủ ngon.
 

 

Mất ngủ do ảnh hưởng của môi trường sống:

Môi trường trong sạch, không bụi bặm, ít tiếng ồn, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát giúp NCT có giấc ngủ ngon, từ đó sẽ làm cho NCT sống khỏe mạnh, vui vẻ, làm được những việc có ích cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, không phải NCT nào cũng có được những điều kiện như vậy. Nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ sống chung, nhà ở chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, nhiều bụi bẩn, mất vệ sinh làm cho NCT rất khó ngủ, thậm chí không ngủ được.

Mất ngủ do chế độ  ăn, uống, sinh hoạt không hợp lý

Ăn uống điều độ ngoài việc đảm bảo sức khỏe tốt thì còn giúp có giấc ngủ ngon, tinh thần sảng khoái. Nếu ăn uống quá no, đủ lượng nhưng thiếu chất hoặc ăn uống thiếu thốn cả lượng và chất thì ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ thường ngày. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu, ăn nhiều chất kích thích (bia, rượu, trà đặc, cà phê) cũng gây khó ngủ, đặc biệt đối với những NCT mắc một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường...

Nên làm gì để có giấc ngủ tốt?

Để có giấc ngủ ngon, NCT cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động cơ thể hợp lý. Không nên kiêng khem quá mức và cũng không nên quá lạm dụng trong khâu ăn, uống. Không nên uống trà đặc, cà phê vào buổi tối. Vận động cơ thể thường xuyên như tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Có nhiều hình thức tập luyện như đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh... Tùy theo sức, mỗi ngày đi bộ không quá 60 phút, nên chia làm 2 - 3 lần. Đối với những người có bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, mạch vành, cần đi bộ chậm, không nên chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá hoặc nóng quá mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình như chập tối, sáng sớm. Phòng ngủ của NCT phải luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Bài viết liên quan

Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa đông

 Thời tiết lạnh giá với nhiệt độ thấp dưới ngưỡng bình thường sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả mọi người nhưng đối với người cao tuổi, việc đảm bảo cho một cơ thể khỏe mạnh trong giai đoạn mùa đông lại càng khó khăn hơn. Sau đây là một số điều người có tuổi cần chú ý khi trời chuyển lạnh.

Ðể sống lâu trăm tuổi...

Trường thọ luôn là khao khát của con người. Thế nhưng thông thường, chỉ 70 năm hay 80 năm, con người đã phải trở về với cát bụi. Vậy bí mật của cuộc sống nằm ở đâu? Làm thế nào để câu chúc “sống lâu trăm tuổi bạc đầu râu” trở thành hiện thực? Bài viết sau sẽ cung cấp những yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ.

Tai biến mạch máu não: Căn bệnh của người già

Tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ đang trở thành vấn đề quan trọng của y học bởi vì tuổi thọ trung bình ngày càng tăng mà nguy cơ đột quỵ lại phụ thuộc vào tuổi tác. Đặc biệt, bệnh gia tăng khi thời tiết lạnh giá. Mỗi năm, ở nước ta, Tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người và để lại những di chứng nghiêm trọng.
 

Cách giảm stress cho người nghỉ hưu

Nghỉ hưu là thời điểm NCT có thể làm những việc ưa thích bất cứ lúc nào. Khi nghỉ hưu nhiều người phải học cách thích nghi với thời gian biểu mới hoặc, chẳng có một thời gian biểu nào, ngày càng xa cách với bạn bè và gia đình, thấy mình bị cách li với xã hội và đối mặt với một loạt vấn đề sức khỏe, mức sống thấp hơn. 

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn

02462662610